Sa Pa là huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai gồm có 17 xã, 01 thị trấn với 117 thôn, tổ dân phố. Dân số của huyện trên 60.000 người trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 85%, 16/18 xã thị trấn trong huyện thuộc xã vùng III, vùng đặc biệt khó khăn. Trong những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội, du lịch ở huyện Sa Pa phát triển mạnh mẽ, đi đôi với phát triển du lịch đã kéo theo một số lao động trẻ em tham gia các hoạt động như bán hàng rong, đeo bám khách để bán các mặt hàng lưu niệm, thổ cẩm, dẫn khách du lịch theo tuor, tuyến...tình trạng trẻ em là người dân tộc thiểu số bỏ học lang thang kiếm sống trên địa bàn thị trấn có chiều hướng gia tăng.
Hiện nay, trong toàn huyện có 125 trẻ em lang thang (theo số liệu kết quả khảo sát trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em Sa Pa). Cũng theo kết quả khảo sát của Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (UBDSGĐ và TE), đa số các em là con em từ các thôn, bản vùng cao, đông dân. Xuất thân từ những gia đình có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn, chủ yếu thuộc các xã Trung Chải, Tả Phìn, Lao Chải, Sa Pả... Phần lớn các em đều đã bỏ học tập trung về thị trấn để kiếm tiền, đeo bám, chèo kéo khách du lịch gây nên hình ảnh xấu đối với du khách đến thị trấn…
Để khắc phục tình trạng trẻ em lang thang, trong những năm qua, huyện Sa Pa đã tập trung quan tâm chỉ đạo và đầu tư nguồn lực cho công tác giảm nghèo, chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, phòng chống ma túy, mại dâm và buôn bán phụ nữ, trẻ em..; thực hiện tốt các chính sách trợ giúp hộ nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội như tín dụng ưu đãi; hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất; hướng dẫn cách làm ăn; cấp thẻ bảo hiểm y tế; miễn giảm học phí…Đồng thời khuyến khích xã hội hóa công tác chăm lo đời sống cho hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…
Tuy nhiên, công tác quản lý trẻ em lang thang trên địa bàn huyện Sa Pa ngoài việc tiếp tục có sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ban, ngành và toàn xã hội đồng thời cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, tái hoà nhập cộng đồng cho trẻ em lang thang: Uỷ ban DSGĐ và TE cần phối hợp với các cấp lãnh đạo địa phương và các cơ quan ban ngành như Công an, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể… cùng phối hợp với gia đình tập hợp các em lại để đưa các em trở về gia đình tiếp tục đi học hoặc tuỳ theo hoàn cảnh có thể xem xét đưa các em vào Trung tâm bảo trợ.
Hai là, giải pháp cho vay vốn, hướng nghiệp dạy nghề, tạo việc làm, tìm kiếm việc làm mới nhằm xoá đói giảm nghèo nâng cao thu nhập cho người dân: Rà soát, đánh giá đúng thực trạng của địa phương và tình hình trẻ em lang thang trên địa bàn. Đề nghị Quỹ bảo trợ Trẻ em Việt Nam giúp đỡ các xã nghèo qua việc thực hiện dự án từ thiện "cho hộ gia đình vay vốn tạo công ăn việc làm để trẻ em lang thang hoà nhập với cộng đồng" (Dự án này đã được triển khai từ năm 1991-1992 và vẫn còn hoạt động đến nay), đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội huy động các nguồn lực, tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi để tự thoát nghèo, đồng thời thực hiện cơ chế chính sách như giảm thuế đất, thuế nông nghiệp, cấp phát giống, đưa cán bộ xuống địa phương hướng dẫn cách làm ăn, các giải pháp mô hình kinh tế hộ gia đình, làm ăn có hiệu quả.
Ba là, nâng cao nhận thức, kết hợp nỗ lực của gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương, lực lượng công an, các cơ quan, ban ngành đoàn thể trong việc bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói chung và trẻ em lang thang: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương đối với công tác bảo vệ trẻ em. Ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, đồng thời nâng cao vai trò trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc bảo vệ trẻ em. Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với việc giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn của huyện. Các xã tăng cường công tác tuyên truyền đến các gia đình có đối tượng lang thang đeo bám khách bán hàng rong và ăn xin; có biện pháp xử lý kiên quyết hơn nữa.
Bốn là, một số biện pháp khác nhằm ngăn ngừa và chấm dứt tình trạng trẻ em lang thang: Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện luật pháp, chính sách, đẩy mạnh hoạt động xã hội hoá trong công tác bảo vệ trẻ em. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động xã hội với nội dung và hình thức phù hợp với từng khu vực, từng vùng và từng nhóm đối tượng nhằm góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội. Có các hình thức tư vấn, tham vấn và vận động trực tiếp đối với gia đình, cộng đồng dân cư về kĩ năng bảo vệ trẻ em, ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang. Tư vấn cho trẻ em và gia đình về cách nuôi dạy con cái, kĩ năng tìm kiếm việc làm.
Sa Pa không những là huyện trọng điểm về du lịch của tỉnh Lào Cai mà còn là điểm du lịch nổi tiếng cả nước và khu vực. Do vậy cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể; của gia đình, nhà trường và xã hội để khắc phục tình trạng trên.