Một số giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng xã, phường, thị trấn
Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT – UBTVQH14- CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định 4 hình thức giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Một trong 4 hình thức giám sát đó là hình thức giám sát thông qua chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của Ban thanh tra Nhân dân (BTTND) và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng (BGSĐTCCĐ) ở xã, phường, thị trấn. Hoạt động của BTTND, BGSĐTCCĐ tại xã, phường, thị trấn là một hoạt động quan trọng của MTTQ Việt Nam cấp xã, trực tiếp phát huy việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia quản lý xã hội của người dân, tham gia phòng chống tiêu cực, tham nhũng ngay tại cơ sở.
Tại tỉnh Lào Cai, qua báo cáo của MTTQ các huyện, thành phố, thị xã năm 2020, toàn tỉnh có 152 Ban thanh tra Nhân dân, với 1.064 thành viên; 152 Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, với 760 thành viên. Trong thời gian qua, thông qua hoạt động của mình, các BTTND thực hiện quyền của mình theo quy định của pháp luật để giám sát các hoạt động của cơ quan chính quyền và mọi cá nhân ở địa phương trong việc thi hành chính sách pháp luật và những quy định của địa phương. Trước hết là tập trung giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân như: Giám sát thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa: giám sát hoạt động của đại biểu dân cử; việc thu chi, quản lý các loại quỹ từ Nhân dân đóng góp; việc thực hiện chính sách pháp luật với người có công; việc quản lý đất đai; trật tự đô thị; các công trình xây dựng, các chính sách kinh tế, xã hội, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền cấp xã; giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn (theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn), BTTND bám vào những nội dung được quy định trong Pháp lệnh thực hiện dân chủ để giám sát và động viên Nhân dân giám sát. Năm 2020 mặc dù bị ảnh hưởng bở dịch bệnh covid – 19 nhưng các BTTND trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được 326 cuộc giám sát, kiến nghị với chính quyền xem xét, xử lý, giải quyết 76 vụ việc. Các BGSĐTCCĐ, trên cơ sở quy chế giám sát đầu tư cộng đồng và các quy định pháp luật, tiếp tục phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ, giám sát các công trình có trách nhiệm. Nhiều công trình xây dựng liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh và hạ tầng đô thị, nông thôn mới được đầu tư từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác được giám sát. Trong năm 2020 các BGSĐTCCĐ đã tổ chức được 421 cuộc giám sát, kiến nghị xem xét, xử lý, giải quyết 34 vụ việc. Hoạt động của các BTTND, BGSĐTCCĐ đã giúp chính quyền địa phương khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong công tác quản lý, phát huy dân chủ ở cơ sở, chấn chỉnh những vấn đề tiêu cực của cán bộ, công chức góp phần xây dựng chính quyền ở cơ sở trong sạch, vững mạnh. Hoạt động của BTTND, BGSĐTCCĐ ở nhiều nơi đã được Nhân dân ủng hộ và cấp uỷ đảng, chính quyền đánh giá cao; đồng thời tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở.
Tuy nhiên, hoạt động của BTTND và BGSĐTCCĐ cũng còn không ít khó khăn, hạn chế. Cụ thể:
Một số cấp uỷ Đảng, chính quyền và Mặt trận địa phương chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo cũng như theo dõi, kiểm tra, đôn đốc; Một số nơi, BTTND và BGSĐTCCĐ hoạt động còn yếu nhưng chậm được kiện toàn củng cố; Uỷ ban MTTQ các cấp, nhất là cấp xã một số nơi chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, chưa thực sự coi trọng và sử dụng BTTND, BGSĐTCCĐ như một công cụ giám sát của Nhân dân, chưa khuyến khích sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình từ thành viên BTTND, BGSĐTCCĐ; Kinh phí hoạt động của BTTND và BGSĐTCCĐ ở một số nơi chưa đảm bảo theo đúng quy định. Bên cạnh đó, giám sát các công trình đầu tư xây dựng là một lĩnh vực phức tạp, khó khăn đòi hỏi người giám sát phải có trình độ chuyên môn sâu. Tuy nhiên, hầu hết thành viên BGSĐTCCĐ hiện nay ở các xã vùng sâu, vùng xa năng lực còn hạn chế... những nguyên nhân này đã phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của BTTND, BGSĐTCCĐ. Nhận thức về vai trò, vị trí của BTTND, BGSĐTCCĐ của chính người dân nhiều nơi chưa đầy đủ. Nhiều nơi thiếu quan tâm trong việc tạo điều kiện theo quy định của pháp luật để BTTND, BGSĐTCCĐ hoạt động. Không ít nơi sự phối hợp giữa MTTQ, HĐND, UBND, các tổ chức thành viên thiếu thường xuyên, chặt chẽ. Hoạt động của không ít BTTND, BGSĐTCCĐ còn lúng túng, hình thức, kém hiệu quả, chưa coi trọng và làm tốt nhiệm vụ giám sát, quyền giám sát của mình. Nhiều vụ việc, công trình giám sát qua loa, chiếu lệ; Một số kiến nghị của BTTND, BGSĐTCCĐ chưa được chính quyền và các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời, thiếu cơ chế để xem xét trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức hữu quan trong việc giải quyết các kiến nghị của BTTND, BGSĐTCCĐ.
Để tăng cường hoạt động của Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ trong thời gian tới, MTTQ các cấp trong tỉnh, nhất là cấp xã, phường, thị trấn cần làm tốt một số giải pháp sau:
Một là, Ủy ban MTTQ các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa, vai trò, nhiệm vụ của BTTND và BGSĐTCCĐ nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức và Nhân dân về công tác này.
Hai là, MTTQ các cấp cần phải đặt công tác giám sát của BTTND, BGSĐTCCĐ là một nhiệm vụ thường xuyên trong công tác mặt trận. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban MTTQ các cấp để BTTND và BGSĐTCCĐ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật. Định kỳ nghe báo cáo về hoạt động của các ban; đôn đốc, đề nghị việc giải quyết những kiến nghị của BTTND, BGSĐTCCĐ, động viên Nhân dân ở địa phương ủng hộ, phối hợp, tham gia các hoạt động của BTTND, BGSĐTCCĐ của địa phương mình.
Ba là, Uỷ ban MTTQ các cấp chủ động tham mưu với cấp uỷ, phối hợp với chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện để BTTND, BGSĐTCCĐ hoạt động. Đôn đốc các trưởng ban, thành viên các ban tham dự các cuộc tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ do MTTQ cấp trên phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức.
Bốn là: MTTQ cấp xã, BTTND, BGSĐTCCĐ nắm chắc được trách nhiệm của Uỷ ban Nhân dân cấp xã đối với chức năng, nhiệm vụ của BTTND, BGSĐTCCĐ nhất làm việc thông báo cho các ban những chính sách, pháp luật chủ yếu liên quan đến tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ của HĐND, UBND cấp xã; các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương; cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin, tài liệu cần thiết cho BTTND, BGSĐTCCĐ (như chế độ công khai dự án, thông tin, tài liệu liên quan đến dự án...) để các ban thực hiện tốt quyền giám sát của mình theo quy định của pháp luật đồng thời xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị của BTTND, BGSĐTCCĐ theo quy định của pháp luật; ngăn chặn, xử lý người có hành vi cản trở hoạt động của BTTND, BGSĐTCCĐ; đảm bảo điều kiện về kinh phí, phương tiện để BTTND, BGSĐTCCĐ hoạt động theo quy định của pháp luật.
Năm là, MTTQ các cấp cần tiếp tục làm tốt công tác chỉ đạo, kiểm tra, rút kinh nghiệm, khen thưởng, đề nghị khen thưởng, biểu dương BTTND, BGSĐTCCĐ, cá nhân thanh tra viên Nhân dân, thành viên ban BGSĐTCCĐ có thành tích xuất sắc trong công tác TTND, GSĐTCCĐ.